Văn bản Kim Vân Kiều truyện Kim_Vân_Kiều

Bản chữ Hán ở Việt Nam

Chỉ có một bản gốc duy nhất, đó là bản chép tay ở Viễn Đông Bác Cổ Học viện, ký hiệu A953, nhan đề Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Tử biên thứ, lập ngày 23 - 3 - 1954 (Archives micronormalisées - Photoza - Paris), hiện nay ở phòng Microfilm Thư viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Bản này gồm 4 quyển chép tay với 478 trang chữ Hán. Cột bên trái trang mục lục và đầu mỗi hồi đều đề: Thánh Thán ngoại thư - Quán Hoa Đường bình luận - Thanh Tâm Tài Tử biên thứ. Sách được chia làm 20 hồi, đầu mỗi hồi là Lời bình của Kim Thánh Thán trước khi đi vào nội dung cụ thể.

Bản chữ Hán ở Trung Quốc và nước ngoài

Theo Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Đăng Na, ở Trung Quốc và nước ngoài đã sưu tầm được 13 loại bản khác nhau. Văn bản chính nguyên thể gồm 20 hồi nhưng cũng có nhiều bản rách nát hoặc thu gọn, có bản rút gọn chỉ còn 12 hồi như bản duy nhất còn được lưu trữ ở trường Đại học Hamfret (Hoa Kỳ). Lại có bản tới 28 hồi[2].

Tựu trung đến nay có hai loại văn bản về Kim Vân Kiều truyện:

  • Loại in từ trước nửa đầu thế kỷ XX về cơ bản là giống nhau như Quán Hoa Đường, Quán Hoa Hiên tàng bản, Đại Liên đồ thư quán...
  • Loại in từ giữa thế kỷ XX trở lại đây đều gồm 20 hồi nhưng dài hơn, nhiều chi tiết hơn như các bản do Lý Trí Trung hay Đinh Hạ hiệu điểm.

Bản dịch tiếng Việt

  • Bản in đầu tiên, sớm nhất và được tái bản nhiều nhất chính là bản dịch của cụ Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung được hoàn thành năm 1925, lần in đầu là do cụ Phan Bá Cẩn thực hiện (1925).
  • Năm 1927, Tân Dân Thư Quán của cụ Vũ Đình Long, đã hợp tác với dịch giả, san nhuận (hiệu đính), đồng thời hoàn chỉnh toàn bộ bản dịch (lần đầu in, còn lược bớt 3 hồi 6, 10, 20), lời dịch sơ sài không bám sát nguyên bản. Bản dịch này đã được in và tái bản 3 lần (1927, 1928, 1929) đều do nhà Tân Dân Thư Quán thực hiện.
  • Năm 1971, ở Sài Gòn xuất hiện bản dịch thứ hai, do cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch và xuất bản.
  • Bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh năm 1962 được Viện Văn học in roneo nay đã được Nhà xuất bản Hải Phòng cho phát hành rộng rãi lân đầu năm 1994 và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản năm 1999 với Lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Na và có thêm một số chú giải và phụ lục do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn đề tựa.
  • Bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm trong Truyện Kiều đối chiếu, Nhà xuất bản Hà Nội, 1991 và Nhà xuất bản Hải Phòng tái bản năm 1999.
  • Tình sử Vương Thuý Kiều (Phong Tình Cổ Lục) do Mộng Bình Sơn khảo dịch, Nhà xuất bản Văn học, năm 2000.

Kim Vân Kiều truyện cũng đã được dịch ra tiếng Mãn Châu, tiếng Nhật.